Bảo vệ mình bằng mặt nạ thông thái


Được đánh giá như một kiệt tác kinh điển của thế kỉ XX, cuốn “Bay trên tổ chim cúc cu” đã đặt ra câu hỏi lớn về sự tồn tại của cá nhân trong xã hội khi mỗi người phải sắm một chiếc mặt nạ để tự bảo vệ chính mình, khi họ phải tự triệt tiêu cái tôi để trở thành những sản phẩm dập khuôn hoàn hảo theo ý muốn của một “Hệ thống”. Tác phẩm là một bản bi ca hùng tráng của những con người khao khát tự do và muốn sống thật với chính mình.
Ẩn kín dưới lớp mặt nạ an phận, tất cả các nhân vật trong cuốn sách đều trưng ra một vẻ ngơ ngác và câm lặng nhằm một mục đích tối thượng là được tồn tại. Chỉ đến khi một "cơn lốc" dữ dội xuất hiện và thổi tung những chiếc mặt nạ đó đi thì cái tôi của họ mới hiển hiện và lên tiếng.
Người sắm chiếc mặt nạ cáo già nhất, không ai khác chính là y tá trưởng Ratched. Mang khuôn mặt thánh thiện và nụ cười thiên thần song mỗi khi nhân vật này xuất hiện đều kéo theo một bầu không khí lạnh lẽo và căng thẳng: "... mụ lách qua cửa vùng luồng khí lạnh ùa vào hành lang, rồi khóa cửa...". Với năng lực che giấu cảm xúc tuyệt vời, hầu như, ít người trong bệnh viện có thể nhận ra những biến đổi tinh vi trong người đàn bà này. Một cách mềm mỏng và dịu dàng, bà ta lấn át quyền quản lí của bác sĩ và áp đặt một chế độ cai trị độc tài trong phân khoa của mình.
Dưới sự điều khiển của Ratched, các công cụ, phương pháp chữa bệnh đều biến thành những hình thức xóa sổ cái tôi cá nhân của người bệnh hay các hình thức tra tấn để bào mòn ý chí phản kháng của bất cứ kẻ làm loạn nào. Một mô hình xã hội thu nhỏ với một kẻ cai trị độc tài được tái hiện hoàn chỉnh và có thể trở thành một điển hình mẫu mực.
Phá vỡ những nguyên tắc bảo vệ cá nhân bằng phương pháp "Cộng đồng điều trị", y tá Ratched soi chiếu và lôi ra ánh sáng những điểm yếu kém của người bệnh, làm họ thực sự tin rằng mình là lũ vô dụng, dị thường và không thể hòa nhập với cộng đồng.
Bằng cách đó, Ratched đã biến tất cả bệnh nhân trong phân khoa của mình thành "những con chim cúc cu" hiền lành, vui vẻ trong cảnh bị giam hãm và không dám đi đâu xa khỏi cái lồng nuôi nhốt mình.
Đối phó lại chiếc mặt nạ cáo già của Ratched, McMurphy chống đỡ bằng cách tạo ra một chiếc mặt nạ đa diện. Hắn ngông cuồng và hỉ hả bằng một loạt các hành động khuyến kích đám bệnh nhân đòi những quyền họ đáng được hưởng nhưng đôi khi lại e dè, thu mình lại nghe ngóng và chờ đợi những động thái phản ứng của Ratched.
Khi biết rằng thay vì ngồi tù 6 tháng, hắn đã lạc bước vào nơi mà Ratched có thể biến thành nhà tù chung thân thì hắn trở nên hiền hòa đến mức những bệnh nhân khác nghi ngờ đó là một đêm bình yên trước một cơn bão dữ dội.
Tuy nhiên, với bản lĩnh cái Tôi quá mạnh mẽ, gã đã quyết định giật tung tất cả- không chỉ chiếc mặt nạ của mình mà còn chiếc mặt nạ của những kẻ điên khác. Đến đây, sự đối đầu giữa McMurphy và Ratched không chỉ là một cuộc cá cược giữa đám bệnh nhân mà trở thành cuộc chiến giữa quyền lực thống trị và khát vọng tự do.
Tự bảo vệ mình bằng chiếc mặt nạ thông thái, Harding là kẻ đã đúc kết nhiều nhất những kinh nghiệm để có thể tồn tại dưới sự cai trị của y tá Ratched. Hắn sòng phẳng và rõ ràng khi nói về lợi ích hay thua thiệt khi việc chống lại Ratched và ủng hộ McMurphy. Kì thực hắn làm thế để che dấu con người hèn nhát của mình và bám lấy một quan niệm yếm thế: "Thế giới thuộc về kẻ mạnh.... Con thỏ phải nhận vai của mình và phải thừa nhận con sói mạnh hơn. Nó tự vệ bằng cái láu lỉnh, sợ hãi và tháo vát, đào lấy hang và trốn vào đấy khi con sói đến gần... Không bao giờ đánh nhau với chó sói. Chẳng lẽ như thế không khôn ngoan?".
Người khéo léo nhất trong việc giấu cái tôi khao khát tự do của mình sau lớp mặt nạ điên khùng chính là người kể truyện - Bromden. Mang vẻ ngoài câm điếc, khờ khạo, Bromden lắng nghe và thấu hiểu mọi chuyện. Cái mặt nạ của Bromden luôn luôn được củng cố khi hắn cố giấu mình đi trong lớp sương mù dày đặc cứ bất thình lình xuất hiện trong bệnh viện.
Những ám ảnh tuổi thơ đã tạo ra một bầu không khí đầy ắp lo sợ khiến Bromden cứ thấy mình càng ngày càng bé nhỏ, yếu ớt trong khi bề ngoài của hắn giống như một gã khổng lồ da đỏ thực sự. Mặc cảm ấy biến hắn thành sản phẩm mẫu mực mà các phương pháp chữa bệnh của y tá Ratched có thể tạo ra. Không ai rõ hắn ở bệnh viện từ bao giờ vì khi người ta đến đã thấy gã ở đó rồi. Hắn cũng giống như một cuốn lịch sử sống của cái phân khoa thần kinh này. Cuốn sách kết thúc với hình ảnh Bromden trốn khỏi bệnh viện và tìm đường trở về quê hương. Chỉ khi dám giật bỏ tấm mặt nạ sợ hãi, hắn mới nhận ra con người thực của mình.
Bao trùm lên số phận của tất cả các nhân vật trong cuốn sách là một chiếc mặt nạ lớn, tinh vi và khiến câu chuyện về họ trở nên hoang đường. Ẩn dưới lớp vỏ phân khoa thần kinh, nơi đáng ra sẽ đưa những con bệnh thần kinh trở lại với cộng động như những cá nhân có ý thức và trách nhiệm thì lại là nơi biến những kẻ bình thường trở thành vô dụng, là nơi ngăn trở con người quay về cộng đồng.
Ở trong không gian bệnh hoạn đó, những kẻ tôn sùng tự do cá nhân như McMurphy sẽ phải chịu hình phạt ghê gớm khi không chuẩn bị cho mình một chiếc mặt nạ ngụy trang kín kẽ. Và cũng chỉ trong không gian đó mới có thể diễn ra một trận chiến mà người chiến thắng không thể mỉm cười.
Đầy giông tố và căng thẳng song với cách kể chuyện đôi khi hài hước của Ken Kesey, người đọc dễ dàng bị lôi cuốn vào hành trình tìm kiếm và khẳng định cái tôi của các nhân vật, một hành trình đầy cam go và thách thức.

Copyright @ 2014 Nhocboy· Designed By ZM Templates